Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Thanh Xuân Vũ Cao Minh tặng cặp sách cho nữ sinh lớp 9 trường THCS Kim Giang.
Vốn đầu tư cho giáo dục chiếm 55%
Thanh Xuân là quận có tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư ngày càng đông, gây áp lực cho công tác tuyển sinh. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, với quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, quận Thanh Xuân luôn quan tâm quy hoạch mạng lưới trường lớp, xây dựng cơ sở vật chất trường học. Đồng thời, dành phần lớn kinh phí đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp sửa chữa, mua sắm trang thiết bị dạy học của nhà trường (cơ cấu vốn đầu tư cho giáo dục đạt 55% trên tổng số vốn đầu tư ngân sách quận). Vừa qua, quận đã sửa chữa, mua sắm trang thiết bị dạy học cho 10 trường với kinh phí đầu tư 520 tỷ đồng. Đồng thời, hoàn thành xây mới 5 trường (2 trường THCS Thanh Xuân Trung và Nguyễn Lân, trường Tiểu học Nguyễn Tuân, 2 trường Mầm non Ánh Dương và Bình Minh), chính thức đi vào hoạt động từ năm học 2019 - 2020 với tổng kinh phí trên 500 tỷ đồng, nâng tổng số trường công lập trên địa bàn quận là 45 trường.
Qua 22 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay ngành GD&ĐT quận Thanh Xuân đã đạt được nhiều thành tích, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội của quận, tạo dấu ấn, khẳng định vị thế giáo dục Thanh Xuân trong toàn TP. Ghi nhận những thành tích trên, 7 năm liên tiếp UBND TP Hà Nội đã tặng Cờ “Đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua” cho ngành GD&ĐT quận Thanh Xuân; 5 năm liên tiếp giữ vững vị trí thứ nhất trong 30 quận, huyện của TP về chất lượng giáo dục; 3 năm liên tiếp đạt tuyệt đối 13/13 chỉ tiêu thi đua xếp loại xuất sắc.
Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu |
Năm học 2019 - 2020, với chủ đề “Xây dựng trường học an toàn, thân thiện - Học sinh thi đua rèn đức, luyện tài”, ngành GD&ĐT Thanh Xuân đã xây dựng nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện. Trong đó, quận tập trung nâng cao hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp hiện đại. Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ, xây dựng trường học hạnh phúc - giáo viên hạnh phúc - học sinh hạnh phúc với 3 tiêu chí: Yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Hiệu trưởng trường THCS Việt Nam – Angiêri Trần Minh Thủy cho biết, xây dựng trường học hạnh phúc, an toàn bắt nguồn từ sự quan tâm, tin tưởng, hỗ trợ, chia sẻ giữa các mối quan hệ trong nhà trường. Các học sinh cảm thấy vui, muốn đến trường, và ở đó các con được thể hiện những điều mình mong muốn, như tham gia các câu lạc bộ thể dục thể thao, nghệ thuật. Trong giờ học, thầy cô gây hứng thú để các học sinh yêu môn học, yêu tiết học đó – một tiết học hạnh phúc. Nhà trường dạy theo định hướng phát triển năng lực học sinh, học sinh cùng thầy cô tương tác để xây dựng kiến thức. Các học sinh đến trường cảm thấy như ở nhà, có thể chia sẻ, tâm sự với thầy cô. “Tại trường THCS Việt Nam – Angiêri, ngoài các môn học chính khóa, học sinh được học võ cổ truyền, tham gia các câu lạc bộ yêu thích. Các con đến trường được vui chơi, không bị gò bó, áp lực” - Hiệu trưởng Trần Minh Thủy chia sẻ.
Học sinh vui chơi dưới giàn hoa trong sân trường THCS Việt Nam - Angiêri.
|
Điểm nhấn từ các mô hình
Bên cạnh công tác đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, với mục tiêu hướng đến chất lượng giáo dục thực chất, xây dựng trường học hạnh phúc, an toàn, thân thiện, quận Thanh Xuân đã chỉ đạo triển khai nhiều mô hình mới hiệu quả, chất lượng. Cụ thể, ngành GD&ĐT quận Thanh Xuân đã triển khai mô hình quản trị trường học chuyên nghiệp, gồm: Bảo vệ chuyên nghiệp, vệ sinh công nghiệp. Cùng đó, với mục tiêu xây dựng mô hình trường học hấp dẫn, các trường tiểu học, THCS đã lắp đặt hệ thống giàn hoa, cây cảnh, triển khai thành công phong trào “Một vạn giỏ hoa, nhiều vạn niềm tin” - góp phần thay đổi cảnh quan sư phạm các trường học đẹp hơn, hấp dẫn, thân thiện hơn, giúp học sinh thêm yêu trường, yêu lớp.
Trong những năm qua, các trường tiểu học công lập đã tổ chức dạy bơi cho học sinh bằng bể bơi thông minh, hỗ trợ 30% kinh phí học bơi cho mỗi học sinh, miễn 100% học phí cho học sinh thuộc diện gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm học 2018 - 2019, các trường đã dạy bơi cho gần 3.000 học sinh, trên 90% học sinh lớp 3, 4, 5 đủ sức khỏe biết bơi. Thành công của 4 năm thực hiện đề án dạy bơi cho học sinh các trường tiểu học đã khẳng định, phổ cập bơi cho học sinh là chủ trương đúng đắn, phụ huynh học sinh đồng tình, ủng hộ.
Bên cạnh đó, 100% các trường tiểu học, THCS tiếp tục triển khai mô hình nữ giáo viên mặc áo dài lên lớp, nữ sinh lớp 9 ở các trường THCS mặc áo dài đến trường tạo được nét đẹp thanh lịch, văn minh của cô và trò. Sau 4 năm học thực hiện, UBND quận đã tặng 5.074 cặp sách đến trường cho 100% nữ sinh lớp 9 của các trường THCS công lập trên địa bàn nhân dịp khai giảng.
Ngoài ra, 11/11 trường THCS công lập trên địa bàn quận đã tổ chức tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến cho hơn 6.000 học sinh lớp 7, 8. Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân đã tổ chức 3 buổi tập huấn, tuyên truyền mẫu hướng dẫn cho các quận, huyện triển khai thực hiện. Thông qua các buổi tuyên truyền, học sinh được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản, cần thiết để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; trở thành những tuyên truyền viên nhí tích cực giới thiệu, hướng dẫn cho cha mẹ và người dân trên địa bàn.
Tặng 1.367 cặp sách cho nữ sinh lớp 9
Hơn 5.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 63.000 học sinh của 82 trường học quận Thanh Xuân đã đón năm học mới 2019 - 2020. Các trường học tổ chức khai giảng với nhiều đổi mới, chú trọng việc đón học sinh đầu cấp, đảm bảo trở thành ngày hội khai trường của giáo viên và học sinh. Thực hiện Đề án “Phát triển GD & ĐT quận Thanh Xuân giai đoạn 2016 - 2020”, tại lễ khai giảng sáng 5/9, 1.367 nữ sinh lớp 9 của các trường THCS công lập trên địa bàn đã được UBND quận Thanh Xuân tặng cặp sách đến trường.
|